(Nguồn : Tạp chí Kiến trúc - Hội kiến trúc sư Việt nam)
Ngày 31/5/19 vừa qua, KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTSVN đã có công văn gửi đến Ủy ban Khoa Học Công Nghệ Môi Trường (KHCNMT) của Quốc hội ý kiến giải trình về Văn phòng kiến trúc sư (VPKTS) được đề cập trong Dự thảo Luật Kiến trúc, góp phần làm rõ mục đích, sự cần thiết của VPKTS. Theo đó, việc mở VPKTS sẽ đáp ứng, khuyến khích, nâng cao chất lượng thiết kế. Ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định của pháp luật về VPKTS, nhưng thực tế, nhiều KTS đã và đang hành nghề với tư cách VPKTS nhưng phải mang tên công ty cho dù chỉ có 2-3 người. Rất nhiều công trình kiến trúc xuất sắc đều do các VPKTS (Công ty) này thực hiện vì họ chuyên tâm và chuyên sâu, chịu trách nhiệm cá nhân về tác giả của tác phẩm mà văn phòng (cá nhân) mình thực hiện. Đồng thời, việc đăng ký lập VPKTS của các KTS có chứng chỉ hành nghề sẽ góp phần quản lý chất lượng sáng tác của KTS cũng như nhu cầu bồi dưỡng, nâng cao khả năng hành nghề phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn cho xã hội của KTS, mà Luật Kiến trúc đã đề ra (đào tạo liên tục). Vì vậy, đây là điều Luật rất quan trọng đang được giới KTS cả nước quan tâm, chờ đợi. Chắc chắn khi có điều Luật này các KTS sẽ tự tin và trách nhiệm trong hành nghề, nâng cao chất lượng kiến trúc.
Kính gửi: Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường (Quốc hội)
Hội Kiến trúc sư Việt Nam xin gửi đến Ủy ban KHCNMT của Quốc hội ý kiến giải trình về VPKTS được đề cập trong Dự thảo Luật Kiến trúc, góp phần làm rõ mục đích, sự cần thiết của VPKTS.
a/ Kiến trúc là ngành nghệ thuật và khoa học kỹ thuật. Hành nghề kiến trúc là hoạt động của cá nhân, đặc biệt là trong giai đoạn sáng tác ý tưởng (giai đoạn có ý nghĩa nhất cho hình thành một tác phẩm kiến trúc).
b/ Chất lượng cuộc sống càng cao, khoa học công nghệ, vật liệu luôn đổi mới, hành nghề kiến trúc càng phải nâng cao bằng việc chuyên sâu và liên kết (KTS sáng tác, KTS ngoại thất, KTS nội thất, KTS phong cảnh, KTS chuyên công trình cộng đồng…). Các KTS trong từng lĩnh vực mở văn phòng hành nghề và thực hiện trách nhiệm về công việc chuyên sâu đó. Việc mở VPKTS sẽ đáp ứng, khuyến khích, nâng cao chất lượng thiết kế. Ở nước ta hiện nay và các nước đều đang phát triển theo xu hướng này.
c/ VPKTS phù hợp với hoạt động hành nghề kiến trúc trong khu vực và quốc tế. Ví dụ: ở Malaysia VPKTS (doanh nghiệp một chủ sở hữu) chiếm 77,6% (1237/1594 DN); ở Nhật, tỷ lệ này là 68,9% (được gọi là Kenchikuchi); Ở Pháp có 30.000 VPKTS (Cabinet Architecte).v.v…
d/ Mô hình VPKTS đã giải phóng và khuyến khích sức sáng tạo của các tài năng kiến trúc. Họ có điều kiện chuyên tâm cho sáng tác, không bị ràng buộc những quy định của một giám đốc doanh nghiệp (Cty) và hoạt động của doanh nghiệp (Cty) tư vấn thiết kế.
e/ VPKTS không nhiều người (thường chỉ dưới 10 người) và có liên kết hoạt động các VPKTS chuyên sâu lĩnh vực khác, với các Cty tư vấn, Cty xây lắp (thi công) để triển khai các công việc liên quan đến công trình (Như thiết kế bản vẽ thi công do các đơn vị xây lắp thực hiện có sự giám sát, kiểm tra của tác giả. Thiết kế điện, cấp thoát nước, điều hòa, thông gió, thiết kế cảnh quan, lập dự toán…do các đơn vị chuyên sâu thực hiện).
g/ VPKTS cũng sẽ phục vụ tốt cho nhu cầu dịch vụ thiết kế nhà ở riêng lẻ tại đô thị, và đặc biệt là nhà ở nông thôn hiện đang chiếm 70% dân số cả nước vẫn đang bị bỏ ngỏ. d/ Ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định của pháp luật về VPKTS, nhưng thực tế, nhiều KTS đã và đang hành nghề với tư cách VPKTS nhưng phải mang tên Cty cho dù chỉ có 2-3 người. Rất nhiều công trình kiến trúc xuất sắc đều do các VPKTS (Cty) này thực hiện vì họ chuyên tâm và chuyên sâu, chịu trách nhiệm cá nhân về tác giả của tác phẩm mà văn phòng (cá nhân) mình thực hiện.
a/ Luật Kiến trúc quy định về VPKTS (điều 33) là sự đổi mới và tạo môi trường thuận lợi cho hành nghề KTS. Có VPKTS, những KTS đủ điều kiện (có chứng chỉ hành nghề, tài năng và kinh nghiệm) sẽ đề cao trách nhiệm nghề nghiệp với tác phẩm, làm việc chủ động thay vì thụ động (như khi làm việc tại các Cty do được phân công), gắn bó với tác phẩm, với chủ đầu tư và vì thế chất lượng công trình càng được nâng cao.
b/ Giải phóng sức lao động sáng tạo của tác giả công trình, không bị chi phối về quản lý nhân sự, tài chính, tiến độ…do đó chất lượng sáng tác càng cao. Mặt khác, họ không bị tác động bởi những quyết định của người quản lý (trong Cty) làm méo mó chất lượng sáng tác.
c/ Là quá trình sàng lọc, chọn lựa những KTS tài năng và phát huy năng lực sáng tạo ở nhiều lĩnh vực của các KTS phục vụ cho quá trình nâng cao chất lượng thiết kế.
d/ Người dân ở nông thôn, ở đô thị được cung cấp dịch vụ rộng rãi trực tiếp và hiệu quả bởi các VPKTS, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng ở địa bàn rộng lớn nhưng đang bị bỏ trống, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả đầu tư của người dân ở nông thôn và đô thị.
e/ Việc đăng ký lập VPKTS của các KTS có chứng chỉ hành nghề sẽ góp phần quản lý chất lượng sáng tác của KTS cũng như nhu cầu bồi dưỡng, nâng cao khả năng hành nghề phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn cho xã hội của KTS, mà Luật Kiến trúc đã đề ra (đào tạo liên tục).
Đây là điều Luật rất quan trọng đang được giới KTS cả nước quan tâm, chờ đợi. Chắc chắn khi có điều Luật này các KTS sẽ tự tin và trách nhiệm trong hành nghề, nâng cao chất lượng kiến trúc. Hội KTS Việt Nam cho rằng, điều Luật về VPKTS là sự đổi mới quan trọng trong Luật Kiến trúc. Do vậy, thay mặt KTS cả nước, chúng tôi trân trọng kiến nghị Ủy ban KHCNMT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua theo Phương án 2 (điều 33) của Luật Kiến trúc.
Hội KTS Việt Nam cho rằng, điều Luật về VPKTS là sự đổi mới quan trọng trong Luật Kiến trúc. Do vậy, thay mặt KTS cả nước, chúng tôi trân trọng kiến nghị Ủy ban KHCNMT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua theo Phương án 2 (điều 33) của Luật Kiến trúc.
Trân trọng cảm ơn!