Mở đầu phiên làm việc, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc.
Báo cáo nêu rõ, ngày 21-5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Kiến trúc để tiếp thu thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý hoàn thiện dự thảo Luật. Sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng - Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật.
Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc với tỷ lệ 429/442 đại biểu có mặt tán thành, đạt 88,64% trên tổng số ĐBQH.
Kết quả biểu quyết của Quốc hội đối với Luật Kiến trúc, ngày 13-6.
Như vậy, Luật Kiến trúc đã được Quốc hội thông qua, gồm năm Chương và 41 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật Kiến trúc quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.
Về đối tượng áp dụng, Luật Kiến trúc được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam.
Đáng chú ý, Luật Kiến trúc giao Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá để quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Quy chế, UBND cấp tỉnh căn cứ nội dung về bản sắc văn hóa dân tộc trong định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, nếu thấy cần thiết sẽ xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương.